Ngày nay, sự ô nhiễm do con người tạo ra đối với hệ sinh thái môi trường ngày càng tăng. Trong đó có lượng bao bì nhựa, túi nilon sản xuất ra với khối lượng rất lớn, nhưng không thể tái sử dụng được, gây ra tình trạng ô nhiểm môi trường ngày càng cao. Đặc biệt là trong các thành phố lớn, khối lượng rác thải bằng bao nilon, bao bì nhựa được người sử dụng vứt bừa bãi.
Để hạn chế các vấn đề về ô nhiểm môi trường, người ta đã nghiên cứu và cho ra đời loại bao bì nhựa có khả năng tự phân hủy sau một thời gian nhất định. Sự phân hủy đó được hình thành theo cơ chế sinh học (biodegradable) là quá trình phân hủy triệt để bao bì nhựa (từ nguyên liệu nhựa có nguồn gốc thực vật) do tác động của vi sinh vật và độ ẩm thành phân hữu cơ (compost).

Quá trình tự hủy của bao bì nhựa trải qua hai giai đoạn chính:
Đầu tiên các phân tử của màng nhựa dãn nở ra, trở nên cứng và sau đó phân rã ra thành các mảnh vụn nhỏ dưới tác động tự nhiên của môi trường: như ánh sáng mặt trời, oxy, độ ẩm, nhiệt độ … Tiếp đến bao bì nhựa sẽ tiếp tục chuyển hóa thành carbon dioxide, nước và khối sinh học do các vi sinh vật hấp thụ nên và tất cả các thành phần này sẽ từ từ hòa nhập vào môi trường theo nguyên lý của quy trình sinh học tự nhiên. Thời gian để các loại bao bì nhựa phân hủy hoàn toàn là khác nhau, hầu hết các bao bì tự hủy sinh học sẽ tự phân hủy sau từ 1 đến 3 năm tùy vào lượng tự hủy pha vào.